“Ăn xem nồi. Ngồi xem hướng” là câu tôi được dạy từ nhỏ. Tôi cũng được dạy rằng trong đĩa thức ăn, chọn miếng nào thì gắp miếng đó, chứ không đảo chọn, tôi tuyệt đối tuân thủ khi ở nhà và ở nơi khác.
Tôi từng cùng mâm với một người trong nhiều năm trời, bữa ăn nào có thịt gà, anh ấy đảo chọn phần đùi. Việc thích chọn đùi của anh ta, hẳn nhiên là có lý do như nhiều gia đình khác, đùi gà nhường trẻ. Tôi quan sát hành vi của khá nhiều trẻ em ở mâm ăn và hỏi chuyện cha mẹ, cái đùi gà là sự ưu tiên cho trẻ từ đời cha mẹ sang đời con, và sự chọn đùi gà của trẻ cũng giống người thường chọn phần đùi ở bếp ăn tập thể mà tôi gặp.
Vấn đề ở đây cho chúng ta thấy rằng, giáo dục gia đình, tác động đến trẻ em rất lớn. Trẻ được cưng chiều trên mâm ăn và luôn được đáp ứng đều trẻ muốn, sẽ trở nên ích kỉ, luôn xem mình là trung tâm của gia đình. Khi lớn lên, sự ích kỉ đấy, được thể hiện ở trường học, ở những nơi làm việc, luôn muốn kéo lợi ích, thậm chí tước đoạt của người khác cho mình.
Người ích kỉ, nạn nhân hóa mình, bởi anh chị ta, không được người khác yêu thích, thậm chí xa lánh. Nhìn xa hơn, anh chị ta bị ích kỉ hóa trong tuổi thơ của mình bởi sự chiều chuộng vô lối và gia đình không hành tập sẻ chia để trẻ lấy làm gương. Đứa trẻ là sản phẩm của giáo dục và trẻ bị mắc kẹt giữa các đối tượng giáo dục mình.
Luôn cho trẻ đùi gà và đảo tìm thịt đùi ở mâm tập thể khi đã lớn, là nguyên nhân và kết quả của giáo dục gia đình, mới chỉ là một trong hàng ngàn bài học giáo dục khác. Bởi thế, xóa được những thứ lạc hậu trong giáo dục gia đình, thì xã hội được hưởng lợi. Người ta bớt đổ lỗi cho trường học và xã hội.
Nguồn “Fb Nguyễn Quang Thạch”